Thị trường xăng dầu
Dự báo thị trường dầu mỏ thế giới năm 2014
1. Nhu cầu xăng dầu tăng nhẹ, nguồn cung bảo đảm
- Kinh tế thế giới bước đầu vượt qua khủng hoảng, nhu cầu về năng lượng của một số nước (như Trung Quốc, các nước Đông Nam Á) vẫn tăng nhưng ở mức thấp hơn các năm trước. Nhu cầu của các nước phát triển (OECD) hầu như không thay đổi và lần đầu tiên lượng tiêu thụ của các nước không thuộc khối OECD sẽ vượt qua các nước này. Tổng cầu thế giới về các loại nhiên liệu hóa thạch sẽ vào khoảng 92 triệu thùng/ngày, tăng khoảng 1-2% so với năm 2013 và vẫn chiếm tỷ trọng khoảng 80% của nhu cầu năng lượng nói chung.
- Nguồn cung tuy còn bị ảnh hưởng từ các sự kiện (bất ổn) tại các nước Trung Đông và Bắc Phi(Iran, Iraq, Libya,…) làm giảm sản lượng khai thác nhưng không gây hậu quả lớn vì sự bù đắp sản lượng khai thác tăng lên ở Ả rập Xê út, Mỹ, Nga.
2. Giá giảm nhẹ
- Sự biến động của giá xăng dầu thế giới chủ yếu phụ thuộc vào tương quan giữa cung và cầu. Như là điều suy diễn tự nhiên từ dự báo 1, giá xăng dầu năm 2014 sẽ giảm nhẹ. Đây có thể là một điều tốt cho kinh tế thế giới vốn phụ thuộc vào nhiều nguyên, nhiên liệu hóa thạch nhưng cũng có mặt trái là sự chú ý và mức đầu tư vào các nguồn năng lượng thay thế bị giảm đi.
- Tất nhiên, dự báo về giá xăng dầu là điều khó khăn nhất và nhiều tổ chức vẫn cho rằng giá sẽ tăng lên như tất cả các năm trước đây. Một yếu tố rủi ro quan trọng có thể dẫn tới việc tăng giá xăng dầu là một sự bất ổn chính trị lớn (chiến tranh, bạo động) tại một vài quốc gia sản xuất dầu lớn. Hy vọng điều này sẽ không xảy ra trong năm tới.
3. Công nghệ khai thác tiến bộ vượt bậc
- Công nghệ khai thác các nguồn nguyên liệu hóa thạch mới từ cát dầu và đá phiến (chủ yếu tại Mỹ và Canada) đã làm thay đổi đột biến toàn cảnh năng lượng thế giới. Mỹ đã vượt qua Ả rập Xê út để trở thành cường quốc sản xuất xăng dầu số một thế giới (với sản lượng trung bình 7,5 triệu thùng/ngày năm 2013 và 8,5 triệu thùng/ngày năm 2014). Lần đầu tiên kể từ năm 1995, lượng dầu khai thác tại Mỹ vượt qua lượng nhập khẩu. Đây là điều hầu như không ai dự báo trong các năm trước và có thể đó là yếu tố quan trọng nhất trong việc giữ giá xăng dầu ít biến động.
- Ngoài ra, các công nghệ trong công nghiệp và giao thông về sử dụng xăng dầu có tiến bộ giúp tiết kiệm nhiên liệu hơn (như động cơ tiết kiệm nhiên liệu). .
4. Trung Quốc gia tăng mua các nguồn năng lượng thông qua M&A (mua bán và sáp nhập).
- Trong năm 2013, trong 10 thương vụ M&A lớn nhất do các công ty Trung Quốc thực hiện thì 7 thương vụ thuộc lĩnh vực năng lượng. Các tập đoàn nhà nước Trung Quốc tham gia vào hơn 20% các thương vụ mua bán về dầu khí trên thế giới. Do phục vụ chính sách bành trướng ở nước ngoài, các công ty Trung Quốc nhiều khi ký các hợp đồng năng lượng với các điều kiện mà các tập đoàn năng lượng lớn của thế giới như BP, Shell rất khó chấp nhận. Ví dụ như Tập đoàn hóa dầu quốc gia Trung Quốc Sinopec đầu tư gần 10 tỷ $ vào các mỏ dầu khí tại Modămbích và Kazacstan cũng như bỏ ra 3,1 tỷ $ mua lại 33% cổ phần của công ty Apache tại các mỏ Ai Cập. Tập đoàn CNOOC mua công ty Canada Neixen Inc. với giá 15 tỷ $. CNPC mua Petrobras tại Peru với giá 2,6 tỷ $.
- Trào lưu này sẽ còn tiếp diễn trong năm 2014 và các năm tới để đảm bảo nguồn cung cho quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2 trên thế giới này (sau Mỹ).
5. Nhiên liệu sinh học chậm bước
- Trong khoảng một thập kỷ qua, nhiên liệu sinh học thu hút được nhiều sự chú ý chủ yếu vì sự tăng giá liên tục của nhiên liệu hóa thạch và nhu cầu ngày càng cao với các loại nhiên liệu. Tuy nhiên, tình hình có sự thay đổi trong vài năm qua khi kinh tế thế giới chìm vào khủng hoảng. Nhu cầu xăng dầu không tăng nhiều như trước; giá xăng dầu ít biến động (tăng) hơn; công nghệ khai thác các nguồn nhiên liệu mới (từ dầu cá, đá phiến, ethanol,…) thay thế các nguồn nhiên liệu hóa thạch làm nguồn cung tăng đột biến; các tranh luận về việc sử dụng lương thực làm nguồn cho công nghệ sinh học; không có đột biến về công nghệ cho nhiên liệu sinh học. Tất cả các yếu tố trên khiến sự cấp thiết phát triển nhiên liệu sinh học bị giảm đi.
- Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất là nguồn vốn đầu tư và trợ cấp cho nhiên liệu sinh học bị hạn chế do chính cuộc khủng hoảng kinh tế.